100 ngày dùng AI
Chat GPT được ra mắt vào cuối năm 2022 nhưng nó đã được nghiên cứu từ năm 2016. Thêm nữa khái niệm về trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện từ thập niên 1950
Và rồi tới cuối năm 2024 mọi người bắt đầu nói tới AI Agents sau đó tới bây giờ thì có rất nhiều khái niệm, cũng như ứng dụng mới được sinh ra.
Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất có lẽ là liệu nó có thể thay thế bao nhiêu % công việc hiện tại.
Như bữa nọ có bài viết nói về em học sinh cấp 1 dùng Chat GPT để làm slide thuyết trình trên Canva thì được chú ý khá nhiều.
Nó giống như câu hỏi từ những đợt đầu của tự động hóa trong sản xuất (từ thế kỷ 18). Việc chuyển đổi cơ cấu lao động dù cho bao nhiêu cuộc đình công đi nữa thì nó vẫn diễn ra.
Nhưng điều đáng nói ở đây là tới giờ mọi người không ai nói về nó nữa, giờ nó như một chuyện bình thường vậy, kiểu cần có nhà máy sản xuất tự động hóa là yêu cầu tối thiểu để mở rộng quy mô vậy.
AI có thay thế nhiều loại hình lao động không? Có, rất nhiều. Nhưng AI không thể thay thế con người được, đấy là điều không thay đổi bởi bản năng sinh tồn buộc chúng ta phải hợp tác với con người mới tồn tại được (chứ không phải máy móc).
Trong 1 cuốn sách mình đọc có đoạn nói về việc các nhà khoa học cố gắng tạo ra 1 con người máy nhưng tới bước mô phỏng cảm xúc thì không làm được. Lý do bởi cảm xúc không có thuật toán cố định (hoặc quá phức tạp) và tính đúng sai mang ý nghĩa tương đối.
Có thể hiểu đơn giản hơn là các khái niệm trong tâm lý học. Dù hàng thế kỷ chúng ta nghiên cứu về nó nhưng chưa ai đủ tự tin để bảo là nắm toàn diện về nó, ví dụ như các bệnh về tâm lý không dễ để nói đưa con người qua 1 cái máy là chữa được bệnh được.
Mặc dù AI sẽ tác động lớn tới việc chuyển đổi cơ cấu lao động, tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại thì con người là giống loài thích nghi cực kỳ tốt dù trong hoàn cảnh nào.
Rồi các thế hệ sau xem nó như máy móc, có thì tốt hơn mà không có cũng chả vấn đề gì. Mọi sự phát triển đều về điểm cân bằng của nó. Giống như chả ai đi hỏi tại sao cái ô tô nó chạy được cả. Nhưng đưa cái ô tô về thời tiền sử thì có lẽ ai cũng bảo là quái vật 4 chân :))
-
Thế tại sao mình lại dùng AI 100 ngày, đây là thời gian mình nghiêm túc sử dụng và đào sâu về nó.
Nhưng điều thú vị ở đây không phải vì mình sợ bị nó thay thế nên mới dùng mà là do công việc của mình bắt buộc dùng.
Nó y như chuyện thích nghi mà mình nói. Giờ mình có 1 tảng đá trên đường đi và AI là công cụ giúp mình phá tảng đá đó, thế nên mình dùng thôi.
Mình thấy nhiều người bảo nên dùng đi, phải dùng đi,.. Mình nghe cũng rồi nhiều đấy nhưng thực sự công việc từ trước tới giờ không cần dùng vẫn tốt thì chưa có lý do để dùng, hoặc có dùng thì cũng chỉ lướt trên bề mặt chơi chơi như lên Chat GPT để hỏi ngày mai thời tiết mưa hay nắng vậy :))
Kể cả thời điểm chưa có AI thì cũng có hàng nghìn kỹ năng khác chúng ta “cần” học, “nên” học nhưng mấy ai đủ thời gian để tìm hiểu đủ thứ trên đời, dù biết là nó tốt thật đấy.
Có người bảo nên đọc sách đi, thực ra nó đúng cho tới khi mình gặp người không đọc sách mà họ chăm chỉ làm việc cần mẫn và vẫn rất nhạy bén trong chuyện kinh doanh. Mình không bảo không nên đọc sách mà chỉ đơn giản là 1 trong nhiều con đường để đi, có thể nó nhanh hơn nhưng cũng có thể chậm hơn với người không phù hợp.
Bản năng sinh tồn - chỉ đơn giản là vậy.
Khi chúng ta bị ảnh hưởng tới cơm ăn áo mặc hàng ngày thì kiểu gì cũng phải xoay sở để đạt được những nhu cầu cơ bản. Nếu lúc đó được đưa ra đề nghị giúp đỡ thì cho dù phải lập trình ra AI chúng ta cũng sẽ làm dù không biết gì.
Giống như cái phim hôm nọ được nhiều người đề cập về nội dung 1 người bị sa thải ở công ty công nghệ lớn về làm shipper rồi code ra được phần mềm xịn sò ý. Nếu bạn để ý thì dòng chảy đó cũng như chuyện thích nghi ở thành phố lớn vậy, dù gì trước mắt có lựa chọn nào thì phải làm thôi chứ ai giúp được nữa.
Ngoài ra sau thời gian đào sâu và sử dụng AI thì mình có một số note như này:
+ Đứng ngoài thì thấy nó cao siêu nhưng khi dùng nhiều thì mới thấy nó còn rất nhiều hạn chế => Nó không thần thánh tới mức làm được mọi việc đâu á
+ Để tận dụng được tối đa khả năng của nó thì bản thân mình phải có kiến thức chuyên môn tốt => Nói dễ hiểu là nếu mình chưa giỏi thì AI cũng như mình :))
+ Dù đào sâu tới mức nào thì thế giới này vẫn rất rộng vì nó rẽ nhánh ra từng lĩnh vực có tính ứng dụng khác nhau => Nên nếu bạn chưa dùng thì đừng có tin bất kỳ ai nói rằng họ hiểu về AI, giống như chả ai đọc được toàn bộ sách trên đời vậy.
+ Các công việc mang tính lặp đi lặp lại nó sẽ làm được rất tốt => Tuy nhiên vấn đề gặp phải là phải cần người kiểm soát chứ mỗi lúc nó làm một kiểu (có lẽ đây là ngành hot sau này đó là kiểu giám sát AI - mỗi lĩnh vực sẽ cần chuyên môn khác nhau)
Có cung thì sẽ có cầu. Kể cả bạn không biết gì về AI nhưng nếu nhu cầu sử dụng về công việc nào đó đủ lớn thì sẽ có bên làm cầu nối để tạo ra công cụ AI dễ ứng dụng cho mọi người. Miễn là bạn trả tiền để sử dụng thay vì bỏ thời gian tìm hiểu :)) Giống như bây giờ có rất nhiều nền tảng như tạo hình ảnh, video mà chỉ cần đưa kịch bản vào thay vì nghĩ hay học các prompt phức tạp nữa.
Thực ra chúng ta sinh ra vào thời kỳ nào cũng có những giai đoạn chuyển giao của nó. Nhưng dù thế giới có thay đổi như thế nào thì chúng ta vẫn tìm được cách thích nghi tốt.
Có lẽ mình chỉ cần sống tốt vậy là đủ rồi, AI sao quan trọng bằng ai đó được ^^ Mọi sự tự nhiên đều đã được sắp xếp hì.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết dù lâu lâu mình mới xuất hiện.
Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường.