Chuyện đi làm #3: Trách nhiệm sau cùng là của ai
Khi còn đang sinh viên, lúc làm bài tập nhóm thì câu chuyện 1 người gánh team không phải là chuyện lạ nữa. Trừ khi bị chia nhóm từ đầu, còn không thì quyết làm thân với đứa chăm chỉ
Thực ra không phải đứa chăm chỉ nó chăm, mà chuyện là nó không làm thì những người còn lại chả ai làm hết. Không làm thì lấy điểm đâu ra khi mà thầy cô chỉ quan tâm tới kết quả cả nhóm.
Câu chuyện cũng tương tự như khi đi làm.
Chúng ta đều biết một điều rằng sự đoàn kết sẽ tạo nên một tập thể mạnh. Giống như câu chuyện dân tộc VN đứng lên chống lại các cường quốc hay những đội quân nhỏ lẻ đánh bại các đội quân hàng nghìn, hàng triệu khác.
Nhưng giữa điều chúng ta biết và thực tế những gì chúng ta thấy lại có một khoảng cách rất xa.
Con người có bản năng cạnh tranh rất cao.
Đương nhiên. Lý do là bởi trong tự nhiên thì cá thể khỏe nhất, mạnh nhất, thông minh nhất sẽ được làm đầu đàn. Còn thực tế xã hội thì chúng ta cạnh tranh để có thu nhập, vị trí, lợi nhuận hoặc phần thưởng nào đó.
Đấy là trên khía cạnh cá nhân.
Tuy nhiên vấn đề khi đi làm thường gặp nhiều nhất là rất khó để xác định được thứ “phần thưởng” hấp dẫn để chúng ta cạnh tranh với người khác.
Thu nhập cao hơn? Vị trí cao hơn?
Trừ những nghề nghiệp được đánh giá trực tiếp thông qua con số như số lượng khách hàng hay doanh số mang về,... thì hầu hết các nghề nghiệp khác sẽ khó có một cái gì để đánh giá được.
Mình ví dụ 1 video quảng cáo bán hàng để tạo chuyển đổi có được khách hàng, thì phía sau đó có rất nhiều người thực hiện những công việc như:
+ Nghiên cứu thị trường, đối thủ
+ Xác định insight khách hàng
+ Lên ý tưởng nội dung
+ Lên kịch bản
+ Tìm diễn viên truyền tải đúng nội dung
+ Tìm bối cảnh quay dựng
+ Chỉnh sửa, hoàn thiện video
+ Chạy quảng cáo
+ Tư vấn khách hàng
+ Lên đơn hàng
+ Sản xuất, đóng gói sản phẩm
+ Vận chuyển đơn
+ Chăm sóc khách hàng
+ …
Không phải công ty nào cũng có quy trình đầy đủ hay có các chỉ số đo lường/ đánh giá chi tiết các công việc. Thường nó sẽ nằm ở quy mô tập đoàn. Và kể cả quy mô lớn như thế đi chăng nữa thì vẫn có nhiều công việc chưa có quy trình hay chưa có chỉ số nào để đánh giá.
Ví dụ như: Chỉ số nào sẽ đo lường được niềm tin của khách hàng về sản phẩm? (Với mình thì nó có đo lường được, tuy nhiên ý mình muốn nói ở đây là không phải dễ để có thể nói đo là đo luôn được).
Đây chính là lý do những bạn mới ra trường hay hỏi câu: Công ty có lộ trình thăng tiến không. Tất cả các công ty đều có câu trả lời, nhưng thực tế thì sẽ dựa trên tiêu chuẩn cảm tính.
Tùy theo văn hóa công ty thì lộ trình đi lên rất khác nhau, có thể là từ quan hệ, sự ăn nói, khả năng quản lý, thâm niên, năng lực giải quyết vấn đề,... chứ nó không đi theo tuyến tính như chúng ta nghĩ. Hoặc đơn giản họ không tuyển được người thì bạn mới được lên chức :))
Tiêu chuẩn đó giống như một nguyên tắc ngầm mà mọi người đều hiểu với nhau khi làm việc một thời gian. Nếu văn hóa phù hợp với cách bạn muốn phát triển thì vui.
Nhưng đa số trường hợp cuộc sống nó sẽ xảy ra tình huống ngược lại. Bạn biết là có nhiều chuyện bạn làm thì đối với cấp trên họ không quan tâm lắm.
Đến đây nó mới phát sinh vấn đề.
Đó là kết quả công việc của bạn phụ thuộc nhiều vào kết quả công việc của người khác. Và không phải tất cả mọi người đều luôn làm tất cả mọi việc ổn, đơn giản vì họ thấy công việc đó không khiến cho họ được “phần thưởng” tốt hơn từ sếp. Mặc dù đối với bạn công việc ấy quan trọng đi chăng nữa.
Đây chính là lý do tại sao chúng ta sẽ dễ sinh ra sự so sánh giữa công việc của mình và người khác. Họ làm ít hơn, mình làm nhiều hơn, họ không làm thì mình cũng không làm,... Như mình nói trên đó là chúng ta sẽ khó làm hay cạnh tranh khi không thấy được “phần thưởng” nào đó.
Và nếu bạn để ý thì khi làm freelancer hay tự kinh doanh thì sẽ có rất trách nhiệm với tất cả những gì bạn làm, vì tự làm tự ăn, có làm mới có ăn :)) Liên tục cạnh tranh với những người khác cùng lĩnh vực.
-
Vậy thì trách nhiệm sau cùng là của ai?
Chắc câu này bạn sẽ nghe đâu đó khi ngồi họp hành với nhau rồi.
Sếp sẽ gánh hết :))
Tuy nhiên bài toán đặt ra đó là tất cả mọi người sẽ vẫn luôn gánh áp lực cá nhân vô hình khi rất khó để đạt được mục tiêu. Mặc dù chúng ta đều biết rằng khi tất cả mọi người cùng giúp đỡ nhau, cùng đoàn kết thì mục tiêu sẽ đạt được.
Nó giống như một vòng lặp, nếu chúng ta chỉ nghĩ tới “phần thưởng” thì chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu của cả nhóm, khi mục tiêu cả nhóm không đạt được thì “phần thưởng” ngày càng xa tầm với. Rồi vì thế chúng ta lại nghĩ tới nó nhiều hơn,...
Và chúng ta sẽ dễ đi vào trạng thái cạnh tranh không lành mạnh, tức là cố gắng đi tìm một lỗ hổng nào đấy trong quy trình để bù đắp những mục tiêu không đạt được.
Đây là một trong nhưng ví dụ thực tế cho thấy môi trường/ văn hóa rất dễ thay đổi hành vi của con người.
Chúng ta bản chất sinh ra không phải là một bản thể hoàn hảo có thể miễn nhiễm với tất cả môi trường, mà thực ra là một giống loài có khả năng thích nghi cao vì nó là từ bản năng sinh tồn.
-
Có một môi trường tốt khi đồng nghiệp giúp đỡ lẫn nhau, cạnh tranh lành mạnh để xây dựng một tập thể lớn không? Có, và nhiều là đằng khác (mình đã làm việc ở những nơi như vậy hoặc bạn bè mình nữa). Đương nhiên đó không phải là câu chuyện một sớm một chiều, mà là sự nỗ lực của những người đặt những viên gạch đầu tiên và cố lái con thuyền đi đúng hướng của nó.
Những nơi tốt có duyên bạn sẽ gặp và dành cho những người phù hợp.
Nhưng với mình bây giờ thấy rằng nơi nào cũng sẽ tốt nếu bản thân biết cách để sử dụng nó làm môi trường để mình rèn luyện.
Mình không tập trung vào “phần thưởng” mà mình hướng vào những điều mình có thể làm được và cố gắng làm nó tốt nhất có thể.
Công việc chính của mình là Digital liên quan chủ yếu tới số liệu, nhưng giờ mình vẫn biết làm những công việc về nội dung, thiết kế, quay dựng, thu âm, bán hàng, truyền thông, vận hành,...
Mình không hề giỏi, mà mình chỉ cố gắng làm mọi thứ để cho công việc cuối cùng của mình đạt kết quả tốt, cũng như có thể hỗ trợ được kịp thời các thành viên khác nếu họ cần.
Trước kia mình bị bám chấp vào cái nhãn nghề nghiệp. Tức là mình làm Digital thì không làm cái khác để tập trung phát triển. Nhưng sau khi làm một thời gian dài mình mới nhận ra được rằng, tất cả các công việc về bản chất nó là giải quyết vấn đề. Nếu mình chỉ quan tâm tới cái nghề thì mình sẽ không hiểu được một bức tranh rộng hơn - nơi mà các yếu tố nó tác động qua lại lẫn nhau.
Hoặc đơn cử như việc làm quản lý là đau đầu việc phân bổ và kiểm soát nguồn lực hơn là chuyện ngày mai sẽ chạy bài quảng cáo gì.
Mình sẽ được lợi gì khi làm việc ngoài cái nhãn nghề nghiệp? Mình nghĩ bạn đã biết câu trả lời. Nếu bạn chưa biết thì hãy thử trải nghiệm, xem điều này sẽ mang bạn đi xa tới đâu nha ^^ Mình tin là rất xa đấy.
Nói vậy thôi chứ mình vẫn đang cố gắng học liên tục, mình vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được. Nhưng đôi khi chỉ cần lùi một bước để nhìn rộng hơn, chứ nhìn gần nhiều dễ bị cuốn theo vòng xoáy của môi trường.
Mình may mắn đang ở trong một môi trường mọi người hỗ trợ lẫn nhau. Mình hy vọng bạn cũng sớm tìm được một nơi như vậy.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường.