Chuyện đi làm #5: Nắm bắt cơ hội
Có khá nhiều câu chuyện thành công từ vị trí thấp nhất như lễ tân, bảo vệ, bồi bàn, dọn vệ sinh, nhập liệu,... để rồi lên những vị trí quản lý cấp cao, tổng giám đốc, thành viên hội đồng quản trị.
Một điều chắc chắn rằng tất cả những người đó đều cực kỳ nỗ lực một thời gian dài cũng như nắm bắt cơ hội kịp thời.
Mỗi người chúng ta chắc cũng từng nghĩ về viễn cảnh như vậy. Bắt đầu từ vị trí thấp nhất ở trong 1 tập đoàn lớn rồi từ từ thăng tiến, rồi được giới thiệu ở nơi tốt hơn, sau đó tích lũy đủ mối quan hệ và tài chính để tự làm riêng hoặc tiến xa hơn nữa trong sự nghiệp.
Nhưng thực tế bây giờ ai cũng sẽ nhận ra rằng 2 chữ “cơ hội” như một món đồ xa xỉ.
Cày ngày cày đêm không được công nhận. Môi trường nhiều luật ngầm không thay đổi được. Công ty phát triển chậm nên không có cơ hội để mở rộng các vị trí.
Kinh tế thị trường không phát triển theo kiểu cứ mỗi công ty mới được thành lập là tự nhiên thị trường sẽ tự to ra tương ứng. Mà đó là sự cạnh tranh, chia thị phần, dành khách hàng. Thế nên cơ hội việc làm dường như nhiều hơn nhưng cơ hội thăng tiến sự nghiệp ngày càng hiếm có khó tìm.
Ai cũng hiểu rằng nỗ lực chưa chắc mang lại kết quả xứng đáng nhưng không nỗ lực thì dù chỉ một chút cơ hội cũng không có.
Nhưng thế giới hiện tại khốc liệt hơn nhiều. Ngày trước chỉ cần nỗ lực một mức vừa phải là có 1 vị trí tốt, mức lương tốt, cơ hội thăng tiến rõ ràng. Nhưng bây giờ ngoài nỗ lực ra còn cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, nhưng cũng chưa chắc mang lại một điều gì đó chắc chắn.
Những khoản tiết kiệm chắt chiu từng đồng thì chỉ cần gặp chuyện gia đình hay ốm đau bệnh tật là xem như quay lại từ đầu.
Có tri thức sẽ làm lại được chứ? Nhưng liệu cuộc sống này bắt mỗi người làm lại bao nhiêu lần mới đủ đây.
Có lẽ vì vậy nên khi chúng ta trải qua vài lần vậy thì hiểu hơn về 2 từ chấp nhận. Những gì đang có là đủ rồi. Dù có nghỉ làm, chuyển việc qua công ty khác thì vẫn vậy thôi.
Nhưng chấp nhận là 1 chuyện, còn có dừng nghĩ về chuyện đó không là chuyện khác. Chúng ta vẫn có gia đình cần lo, hóa đơn cần trả, đủ thứ trách nhiệm không tên khác. Nên nếu có cơ hội thì ai cũng không ngại ngần gì nắm bắt cả. Nhiều tiền vẫn hơn mà.
Nền kinh tế đang vận hành theo đúng xu hướng đi lên, nhưng không bao giờ có thứ gì chỉ có 1 mặt tốt cả. Có lẽ sự phát triển kinh tế của loài người không phải thứ con người thật sự mong muốn.
Trong 1 cuốn sách có đề cập tới 1 góc nhìn thú vị đó là: Kinh tế là 2 từ khiến mỗi người trở nên ích kỷ. Về bản chất con người là giống loài xã hội nên chúng ta đang đi ngược lại với tạo hóa. Có lẽ tự sinh tự diệt đúng ha.
Nói như vậy không bảo là chúng ta đừng nỗ lực nữa. Mà tự nhắc nhở nhiều lần đó chỉ là 1 khía cạnh trong cuộc sống. Và cái tính không ngừng tò mò, khám phá, phát triển cũng là bản năng của con người nên dù nói không muốn cũng không tránh được đâu.
Giống như những cái thí nghiệm cho người tham gia nhiều tiền chỉ để ngồi yên trong 1 căn phòng không có gì thì hiếm người chịu nổi một thời gian dài.
Chúng ta luôn không ngừng vận động, tuy nhiên đừng để sự vận động đó chỉ tập trung vào việc phải nắm bắt cơ hội. Để rồi không thấy lại thất vọng về cuộc sống, về những gì xảy ra xung quanh.
Thế giới này không cần 8 tỷ người làm anh hùng, như vậy thì chả còn ai là anh hùng nữa vì ai cũng có vai trò như nhau rồi.
Quá trình nỗ lực theo đuổi một điều gì đó quan trọng hơn nhiều so với kết quả đạt được điều đó. Khi ngồi xuống trò chuyện chúng ta đâu có nhớ người này người kia đạt được thành tựu gì, mà thấy truyền cảm hứng hơn về cả quá trình đạt được điều đó của họ. Và đó cũng chính là điều khiến chúng ta kết nối lại với nhau. Chính là những câu chuyện.
Cũng chính những câu chuyện mới khiến chúng ta có nhiều kinh nghiệm hơn, hiểu đời hơn, chấp nhận hơn, biết cách yêu cuộc sống này hơn.
Và cũng chính những câu chuyện là sự kết nối giữa ngày xưa và ngày nay, giữa thế hệ này và thế hệ trước.
Và có lẽ những câu chuyện là những cơ hội mà chúng ta cần nắm lấy.
Hy vọng bạn nắm được nhiều cơ hội như ý dù là trong công việc, cuộc sống hay cuộc đời của bạn.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Cường.