Cố gắng đến bao giờ …
Điểm cuối cùng luôn là cái chết vậy chúng ta đang theo đuổi điều gì, hạnh phúc hay thành công, bình an hay tham vọng.
Có lẽ thực tế không có câu trả lời. Chỉ đơn giản vì mỗi người đều quá bận rộn vật lộn với cuộc sống hàng ngày. Có ngày vui ngày buồn, ngày có hạnh phúc và cũng có ngày thất bại.
Tuy không trả lời nhưng câu hỏi đó cứ luôn bắt buộc chúng ta trả lời vậy. Hay nói đúng hơn là xã hội bắt chúng ta trả lời. Có vẻ như chặng đường đi tìm kiếm câu trả lời đó như đúng cái mà xã hội muốn.
Mỗi xã hội cấu thành bởi rất nhiều người, mà thường để xã hội hình thành sẽ cần một điểm gì đó chung để kết nối (nói dễ hiểu thì hình dung như để tôn giáo nào đó tồn tại cần đức tin vậy).
Dù chúng ta đang theo đuổi hạnh phúc, thành công, bình an thì đều là thứ mà xã hội này đang muốn. Khi chúng ta theo đuổi thì sẽ cần phát triển và cạnh tranh - nhưng 2 thứ này không có điểm kết thúc.
Niềm vui, sở thích, đam mê nghe thì có vẻ mang tính cá nhân nhưng nó chỉ đơn giản là một phần đã được vẽ sẵn từ khi mỗi người sinh ra trong xã hội rồi. Điểm mấu chốt ở đây là “trong xã hội” - tức là chúng ta đã ở trong cái vòng lặp ngay từ khi chào đời rồi. Gọi là cá nhân nhưng mỗi người đã bị ảnh hưởng bởi hàng tỷ thứ từ lúc biết tiếp nhận thông tin cho tới lúc lớn.
Câu hỏi sinh ra để làm gì nó cũng như cái xã hội muốn nó xảy ra để một vài cá nhân đứng ra đột phá dẫn đầu cho xã hội phát triển tiếp như Tiktok hay AI vậy.
Một xã hội phát triển là một xã hội tốt hơn. Thực tế chúng ta đều thấy nó luôn có 2 mặt. Và thường thì mặt tiêu cực dễ chiếm ưu thế.
Tại sao lại thế?
Quay lại về bản chất thì con người là sinh vật muốn được an toàn, hạnh phúc, vui vẻ. Chính vì điều này cho nên con người mới tiêu cực (nghe thú vị ha). Vì khi càng tiêu cực thì mới nằm ở vùng an toàn được.
Càng phát triển thì càng dễ có xung đột bởi khi chúng ta biết ăn ngon rồi thì đâu ai chịu quay về ăn bình thường (thứ mà trước đây chúng ta thấy ngon). Khi tiêu chuẩn càng cao thì tài nguyên phục vụ cho tiêu chuẩn đó càng khan hiếm, nên chúng ta mới xung đột, mâu thuẫn là vì vậy.
Tới lúc đấy sẽ có 1 phần lớn sẽ không đấu tranh nữa, chỉ muốn sống bình an rồi mong muốn bảo vệ môi trường nữa. Và đây cũng là điều xã hội đang tự vận hành, cái gì đẩy lên cao trào thì luôn có một phần đi ngược lại (dù tốt hay xấu - theo định nghĩa mỗi người). Mọi thứ luôn về điểm cân bằng.
Điều thú vị chính là điểm cân bằng. Khi mọi thứ quá phát triển thì sẽ có chiến tranh, chiến tranh nhiều sẽ có hòa bình, hòa bình lâu sẽ có sự phát triển. Một vòng lặp hoàn hảo.
Vậy thì chúng ta đang cố gắng vì điều gì?
Xã hội con người phát triển nhanh bởi bản chất thích nghi rất mạnh của loài người, nói đơn giản ở thời đại nào con người cũng đi qua được.
Mọi câu hỏi, suy nghĩ của chúng ta hiện tại đều không phải của riêng mỗi người mà nó đều là thứ cần để chúng ta thích nghi với xã hội hiện tại. Dù là nhiều người giàu hơn hay nhiều người bị trầm cảm hơn thì nó đều đang xảy ra theo cách nó nên xảy ra.
Có thể hình dung như thế này.
Thế giới bây giờ có 8 tỷ người. Mỗi người tương đương với một bóng đèn chẳng hạn. Và 8 tỷ bóng đèn được sản xuất ra thì không thể tất cả đều có thể phát sáng được. Lỗi sản xuất ấy có thể do chất lượng đầu vào, thời điểm sản xuất, môi trường tác động,...
Tác động của bóng này tới bóng kia giúp 1 bóng nào đó có thể sáng hơn nhưng điều đó tương đương với việc năng lượng sẽ dồn cho 1 bóng, vậy các bóng còn lại chỉ có thể sáng lay lắt. Đâu phải tất cả mọi người đều tránh tác động lẫn nhau được khi sống trong một tập thể phải hợp tác.
Một thế giới hòa bình, môi trường trong xanh, mọi người tích cực ai cũng đều muốn. Nhưng vui quá thì hóa chán, mà chán thì lại nảy sinh ham muốn (địa vị, vật chất, sự công nhận). Bất kể điều gì lên mức cao cũng sẽ bị phá vỡ để về điểm cân bằng.
Nên mỗi người cố gắng vì điều gì cũng được. Quan trọng là không bao giờ chúng ta có được tất cả điều tốt cùng một lúc. Không thể có 1 cuộc sống cân bằng, công việc tốt, mối quan hệ tốt, sức khỏe tốt, đam mê tốt được.
Có thể có trường hợp như vậy nhưng chắc chắn thời gian duy trì không được bao lâu. Vì như vậy không phù hợp so với cách xã hội vận hành. Mình tốt kiểu gì chả bị đố kỵ, mình xấu kiểu gì chả bị xa lánh.
Một câu chúc mình thích đó là: “Chúc bạn dù thế nào cũng chân cứng đá mềm”
Con đường nào cũng khó khăn hết, bởi chính nó là thứ đang giúp xã hội tồn tại, giúp mọi thứ về điểm cân bằng. Không thể kỳ vọng một nơi điều gì cũng tốt được, chỉ có thể kỳ vọng mình đủ sức để đi qua từng chặng đường này thôi.
Và con đường nào rồi cũng sẽ ổn vì mọi thứ sẽ đều về điểm mà chúng ta cảm thấy vừa đủ.
Nơi mà không tồn tại điều gì cũng chính là nơi có nhiều thứ nhất.
Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường.