Cuộc đua
Không chắc kiên trì sẽ đạt được thành công, nhưng không kiên trì sẽ không tới đó được? Hmm.
Câu hỏi đúng hơn là:
Như thế nào mới gọi là kiên trì?
Có lẽ định nghĩa kiên trì sẽ được chấp nhận khi sự kiên trì đó được trả một cái giá thành công xứng đáng. Còn chưa thành công chắc chả ai xem đó là kiên trì đủ.
Một cuộc đua mà chỉ những ai “kiên trì” thì mới dành được chiến thắng.
Mỗi người đều đã từng chiến thắng một vài lần, lúc đi học, đi làm hay những chuyện trong cuộc sống.
Nhìn lại thì ở mỗi cuộc đua đó chúng ta đã chiến thắng nhiều người, nhưng điều thú vị “nhiều người” ở đây là phiên bản khác của mỗi chúng ta. Đây chỉ đơn giản là cuộc đua của ta và nhiều ta khác.
Thế có phải đúng hơn là chỉ cần vượt qua chúng ta mỗi ngày như nhiều người vẫn có nói.
Nhưng khi chúng ta vẫn còn muốn đua thì cuộc đua đó sẽ không bao giờ kết thúc. Thế có phải nên không đua?
Ai cũng bảo rằng nếu chúng ta không đua sẽ không có trải nghiệm, sẽ là những câu cuối đời như “ước gì chúng ta đã làm nhiều thứ, đã nỗ lực hơn”
Sự thật là như thế này.
Kiên trì hay không kiên trì? Đua hay không đua? Chỉ cần chúng ta bận thôi là hết nghĩ :))
Ví dụ như mỗi ngày sáng phải đi học, chiều phải đi ship, tối phải đi làm thêm tiệm bánh để có tiền chi trả cuộc sống thì có mà nghĩ được.
Dậy sớm, chăm chỉ, kiên trì, trì hoãn, lướt mạng xã hội,... đều không còn trong thời gian biểu nữa vì chả có thời gian đâu.
Rồi khi có công việc ổn định hơn dù là làm văn phòng, làm tự do hay khởi nghiệp thì đều có khả năng chi trả cho chúng ta có một khoảng thời gian trống nào đó. (P/s: ở đây ai nói khởi nghiệp đau đầu thì đó là họ đang khởi nghiệp vài cái một lúc đó hoặc một cái nhưng mới bắt đầu)
Chính những khoảng thời gian trống đó tạo nên những con người khác của ta để so sánh, đấu tranh, ganh đua.
Giải pháp ở đây không phải là dừng nghĩ, bởi vì dù có học thêm khóa học nào đó, đi thiền, đi chữa lành hay gì đi chăng nữa thì chúng ta vẫn là con người, vẫn bị xã hội này tác động để bản thân luôn muốn vận động dù là tay chân hay đầu óc mọi lúc.
Chắc mỗi người đều đã từng thấy một người nào đó trên mạng họ năng động, nhiều năng lượng đến thế. Sự thật là họ có quá nhiều việc cần làm - dù - họ - rất - muốn - nghỉ - ngơi. Kể cả họ luôn được bảo là người nghiện công việc đi chăng nữa.
Giống như cái ví dụ mình đưa phía trên khi cả ngày sáng mở mắt ra chưa kịp nghĩ gì thì đã tới tối mệt lả người rồi. Câu chuyện chắc sẽ gần gũi hơn nếu chăm người thân ốm hay phải chạy deadline sát ngày.
Nhưng cho tới đây vấn đề không phải chúng ta không muốn ra ngoài kiếm việc thêm để làm.
Cái chính là xã hội đang vận hành theo hướng “1 nghề cho chín còn hơn 9 nghề”, tức là gần như nếu mình đang làm nghề nào đó thì chỉ muốn đi theo mãi thôi. Điều này tạo ra rào cản rất lớn trong suy nghĩ cũng như bản năng thích nghi của mỗi người ngại thử một cái gì đó mới. Để rồi mong chờ một điểm nào đó thành công, tự do tài chính, hạnh phúc,... khi tới đó rồi mới làm cái gì đó mới.
Đi làm văn phòng, làm tự do và khởi nghiệp. Đây có lẽ là điều 1 người bình thường có thể làm được cùng 1 lúc. Văn phòng cho sự ổn định, freelance cho sự bấp bênh, khởi nghiệp cho sự sáng tạo. 3 trụ cột này sẽ vừa tạo ra sự cân bằng, vừa khiến cho mỗi người hết thời gian để nghĩ linh tinh :))
Tập trung 1 thứ để cho nó thăng hoa … Hmm. Thăng tiến ở tập đoàn lớn hoặc có thương hiệu có nhân tốt hoặc khởi nghiệp một ngành ngách okela. Nhưng 1 mặt tốt đẹp nó sẽ luôn cần 1 mặt áp lực tương đương để cân bằng và hướng này cũng tốt nhưng sự đánh đổi không nhỏ. Tùy lựa chọn của mỗi người. Ở đây không có gì đúng hay sai.
Thực ra để mà nói chỉ cần 1 trong 3 trụ cột trên mà tốt thì chúng ta sẽ tự động ưu tiên nó hơn. Sự phát triển hay sự kiên trì tự nhiên đi theo đó mà chúng ta không cần nghĩ nữa :))
Câu hỏi tiếp theo là bắt đầu như thế nào khi đang ở vị thế làm văn phòng (vì nếu đang ở 2 vị thế còn lại sẽ linh hoạt hơn).
Chắc có lẽ nhiều người bảo rất dễ để bắt đầu khi làm ở văn phòng, nhưng thực tế là muôn chuyện hỷ nộ ái ố trên công ty cũng đủ khiến hết năng lượng muốn bắt đầu cái gì đó mới rồi.
Sẽ có nhiều cách để bắt đầu nhưng mình thấy cách vừa dễ và vừa khó có thể áp dụng là làm miễn phí :)) Thật đó, làm miễn phí cho người khác rồi tự nhiên sẽ thấy bản thân mình bắt đầu lúc nào không hay. Chỉ cần bắt đầu thôi thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy, vì không ai chịu làm miễn phí hoài đâu haha.
Và cách trên cũng có thể không phù hợp với nhiều người.
Về bản chất là không thử thì không biết được. Có rất nhiều cách để đua và cũng có nhiều cách để không đua mà cũng thắng. Nhưng chúng ta đâu bao giờ có tất cả ngay từ khi mới bắt đầu được. Mà kể cả có tất cả rồi chúng ta cũng đâu muốn đứng yên.
Hy vọng bạn có một cuộc đua theo cách bạn muốn ^^
Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường.