Điều gì khiến chúng ta hạn chế góc nhìn?
Điều gì khiến chúng ta hạn chế góc nhìn?
Điều gì khi chúng ta càng lớn thì nó càng hạn chế góc nhìn khách quan và sự phát triển?
Có 1 câu mình nghe được từ bạn mình là: “Khi chúng ta tức giận, khó chịu với người khác thì có nghĩa rằng hành động, tính cách nào đó của họ mà mình không chấp nhận ở chính bản thân”
Điều này thực sự tác động với cá nhân mình rất lớn. Mình đã có rất rất nhiều lần trong vô thức khó chịu và bực tức với hành động hay thói quen của người khác. Nhưng tới khi biết được điều trên và mình ngồi lại suy nghĩ thì mới bất ngờ nhận ra rằng những hành động, thói quen đó mình đang hoặc đã từng có. Nếu không thấy chỉ đơn giản mình không chịu tư duy.
Thực ra mình nghe câu nói trên cũng một vài lần ở đâu đó rồi. Nhưng những lần đầu tiên nghe mình hoàn toàn không chấp nhận chuyện đó. Mình sẽ đi tìm lý do để hợp lý hóa những sự bực tức, khó chịu với người khác là do chính họ chứ không phải do bản thân mình. Có thể do họ không làm được việc, không chịu trách nhiệm, không chăm chỉ, không chịu khó học hỏi,...
Nhưng rồi dần dần mình nhận ra được rằng những thói quen, hành động hay tính cách đó thật sự nó đã từng có hoặc đang có trong bản thân mình lúc này. Việc mình không chấp nhận nó là một phản ứng tự nhiên của con người - tức là luôn bảo vệ bản thân. Nhưng không phải lúc nào bản năng tự nhiên này cũng tốt. Đối với mình thấy nó không tốt ở khía cạnh này nên mình muốn thay đổi.
Nếu mình không chấp nhận khuyết điểm của bản thân thì mình cực kỳ khó để thay đổi nó, nếu không thay đổi thì có nghĩa mình cho nó là vậy và không phát triển nữa.
Bước đầu tiên để mình chấp nhận khuyết điểm của bản thân mình đó là chấp nhận khuyết điểm đó ở người khác. Mỗi khi mình bắt đầu tức giận, khó chịu với người khác thì sẽ cố gắng dừng lại để không để cho cảm xúc đấy kiểm soát bản thân mình. Để làm được chuyện này nói thì dễ nhưng khi thực hiện nó rất khó.
Ví dụ bố mẹ mắng con, thầy cô mắng học sinh, bạn bè chửi nhau, người yêu cãi lộn, sếp mắng nhân viên,...
Có một câu khá phổ biến mọi người sẽ thường nói là: “Tôi quát mắng, tức giận như vậy là tốt cho con/ đứa bạn/ nhân viên”. Đúng là sẽ tốt nhưng nó cũng chỉ đơn giản là một lựa chọn trong vô vàn lựa chọn khác để giúp người khác tốt lên.
Cái vấn đề lớn ở đây đó là sự tức giận, lời quát mắng đó của họ nó không phải 1 lần là xong mà có thể sẽ để lại hậu quả về sau như việc người bị mắng sẽ đưa sự tức giận đó cho người khác, hoặc lần sau không dám làm trái ý nữa để rồi khả năng sáng tạo, tư duy bị hao mòn, hoặc dồn nén cảm xúc đấy gây nên những căn bệnh về tinh thần,... Người ta không chọn cách khác để giúp người khác tốt lên vì đơn giản tức giận hay quát mắng nó là việc dễ, nhanh, gọn. Nhưng không hề biết rằng năng lượng tiêu cực đấy không mất đi mà chỉ chuyển sang dạng khác hoặc người khác.
Đối với mình bây giờ thấy rằng hầu hết các trường hợp tức giận, bực tức, khó chịu với người khác đều cần phải xem xét lại bản thân trước khi đem những cảm xúc tiêu cực đó ra ngoài. Và ở đây có một thói quen khả năng cao sẽ đi kèm giúp mình để ý hơn đó là việc trả lời nhanh, tức là người nào đó hỏi/ phản biện/ đánh giá mình thì mình trả lời lại ngay lập tức. Đây chính là thói quen dễ khiến mình mất kiểm soát mà đưa năng lượng tiêu cực ra bên ngoài.
Giờ mình thấy thích sự điềm tĩnh nói vừa đủ, đúng trọng tâm hơn là việc ăn to nói lớn để thể hiện phong thái mạnh mẽ như ông bà ta thường nói :>
Còn những trường hợp ngoại lệ như xuất phát từ tình thương, tình yêu thì nó khác nhé. Ví dụ khi người khác giết hại động vật, phá hoại môi trường, làm hại đến người khác thì tức giận, phản kháng là điều nên làm. Tức ở đây có 3 đối tượng: bản thân mình, người bị hại và người hại họ. Còn hầu hết các trường hợp trên chỉ có 2 đối tượng. Mình muốn nói rõ cho bạn đỡ đánh đồng 2 trường hợp này.
Như mình nói ở đầu bài viết thì có 1 thứ chúng ta càng lớn sẽ càng hạn chế góc nhìn khách quan đó chính là sự chấp nhận bản thân. Mình đã từng nghe rất nhiều về việc chấp nhận bản thân rồi nhưng chưa thật sự hiểu rõ ở những lần trước.
Do việc tức giận, khó chịu, lớn tiếng, quát mắng diễn ra thường xuyên và khắp mọi nơi nên chúng ta có xu hướng cho đó là điều hiển nhiên. Cho nên sẽ khó có một suy nghĩ là chuyện này cần thay đổi. Đây cũng chỉ là một khía cạnh trong cuộc sống khi điều gì đó diễn ra quá nhiều thì chúng ta không còn dừng lại để suy nghĩ tính đúng sai nữa, hay có thể gọi là tâm lý đám đông.
Có 2 tư duy mình nhắc cũng khá nhiều trong các bài viết của mình rồi là: Tư duy cố định và tư duy phát triển.
Và như việc mình không chấp nhận khuyết điểm của người khác hay bản thân là một trong những tư duy cố định. Tức là mình đã tự cho rằng những khuyết điểm đó sẽ luôn tồn tại và không thể thay đổi.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Nếu trong trường hợp mình bị người khác tức giận, quát mắng, chỉ trích thì cũng xảy ra vấn đề tương tự. Đó là mình có xu hướng phản đối điều mà người khác nói về mình ngay lập tức không cần suy nghĩ. Đây cũng chính là việc mình không chấp nhận bản thân. Hay còn gọi là tự ái.
Mặt khác tự trọng là việc biết bảo vệ danh dự của bản thân, với mình thì nó thiên về nội tại hơn là bên ngoài. Tức là dù người khác có nói xấu mình như thế nào đi nữa nhưng chỉ cần tự bản thân mình biết mình không phải người như thế là được, không cần phải phản ứng lại ra bên ngoài. Hoặc dù môi trường thay đổi như thế nào thì vẫn giữ được những đức tính tốt.
Còn sự tự ái nó khác, nó giống như việc xù lông lên để che giấu đi những khuyết điểm của bản thân vậy. Cũng chính là để cho cảm xúc/ bản năng tự bảo vệ kiểm soát hành vi chứ không kiểm soát bằng suy nghĩ. Và điều thú vị là khi chúng ta càng lớn, cái tôi càng cao thì xu hướng càng dễ xù lông hơn.
—
Và cả 2 trường hợp kể trên dù mình đứng ở phía chủ động hay bị động thì đều là sự không chấp nhận khuyết điểm của bản thân. Nói như thế không phải giờ mình không còn cảm xúc tiêu cực đấy nữa. Đương nhiên để thay đổi không phải một sớm một chiều mà nó cần rất nhiều thời gian thậm chí là đánh đổi các mối quan hệ, tình cảm, tiền bạc để có được những bài học.
Nhưng mình nghĩ rằng việc biết đến điều này đã là một tác động tích cực lớn đối với mình rồi. Thật sự biết ơn người bạn đó, không phải vì mình chưa biết chuyện này trước đó mà là vì có một người trò chuyện để giúp mình tự ngộ ra và thấm được ý nghĩa đằng sau nó. Thế nên mới nói những mối quan hệ chất lượng nó là tài sản quý nhất của một người.
Dù sao thì con người đều cần có cảm xúc buồn vui, tức giận, tủi hờn,... vì nó luôn mang lại những khía cạnh tích cực nào đó. Mình không cố ép mình vào một khuôn khổ phải thế này hay phải thế kia. Mình chỉ đơn giản là nhìn nhận lại những gì nhìn có vẻ hiển nhiên trong cuộc sống mà nó không như bề ngoài, để từ đó giúp mình tốt hơn một chút. Dù chỉ một chút thôi cũng được rồi.
Cảm ơn bạn đã đọc đến đây. Chúc bạn một ngày tốt lành ha.
Cường.