Hiệu ứng cộng dồn?
Nếu bạn đã từng đầu tư thì chắc cũng đã nghe tới hiệu ứng cộng dồn. Hiểu đơn giản là lãi mẹ đẻ ra lãi con, càng đầu tư càng sớm thì càng được nhiều lãi. Nhưng hôm nay mình muốn chia sẻ tới bạn một góc nhìn khác về hiệu ứng này trong cuộc sống.
Mình đã từng viết bài kiểu này chắc từ 2 năm trước rồi, hồi đó mình viết nhiều lắm. Kiểu cả viết website, viết trên trang cá nhân hay viết để đăng vào hội nhóm này kia. Đợt đấy chủ yếu mình viết là để chia sẻ lại những gì mình đã trải nghiệm hay góc nhìn của mình, hoặc cũng có thể là nơi để mình giải tỏa những suy nghĩ hay cảm xúc cá nhân. Mình duy trì kiểu vậy chắc cũng được hơn một năm đấy. Lý do mình duy trì vậy không phải vì mình bắt ép bản thân gì cả mà chỉ đơn giản mình đặt tay xuống bàn phím và gõ vậy thôi, không có deadline, không có kpi gì hết nha.
Sau thời gian đó mình gặp một số chuyện cá nhân và cũng bận nữa nên mình đã dừng viết một khoảng khá lâu. Nhưng có một điều mà mình để ý thấy đó là những công việc ngoài, lời mời hợp tác hay giới thiệu đều đến từ những gì mình đã chia sẻ lại. Những thứ này không xảy ra trong quãng thời gian mình chia sẻ mà phải rất lâu sau đó mình mới nhận được.
Một ví dụ khác là trước đây khi làm video hay podcast đầu tiên mình trì hoãn hoặc nói văn vở tý là chuẩn bị đủ thứ này nọ kia chắc phải khoảng 2-3 tháng mới bắt đầu. Mình cứ chờ đến khi mình đủ một cái gì đó thì mình mới bắt đầu làm. Nhưng thời gian gần đây khi mình bắt đầu lại thì chỉ mất nửa ngày để quyết định, để quay và edit ra thành video hoàn chỉnh. Và chuyện này xảy ra tương tự ở các kỹ năng khác như thiết kế, viết lách, đánh đàn, tập gym, làm SEO, làm web,...
Tất cả những kỹ năng, trải nghiệm, sự chia sẻ kết quả nó hiếm khi đến trong quá trình mình bắt đầu mà phải một thời gian lâu về sau hoặc một thời điểm nào đó nó mới đến. Giờ mình mới để ý lý do phổ biến nhất khi mình từ bỏ một điều gì đó là do mình không thấy kết quả trong ngắn hạn. Nhưng điều mình không biết đó là cuộc sống này vận hành theo hiệu ứng cộng dồn. Tức là một lúc nào đó về sau khi hội tụ đủ các yếu tố thiên thời địa lợi thì nó mới nở hoa, kết trái được.
Mình gần đây có đọc cuốn Sapiens - Lược sử loài người. Có một điều mà mình rất ấn tượng đó là kỹ năng của những người cổ đại nếu so sánh ở cấp độ cá nhân với người hiện đại bây giờ thì họ giỏi hơn rất rất nhiều. Bản thân mình ngày trước ngoài chuyên môn ra không còn một cái gì khác nữa cả. Trong khi đó một người thời tiền sử họ biết rất nhiều thứ xung quanh họ như thời tiết, động vật, thực vật, khu vực, hang động, dinh dưỡng, thời gian, giao tiếp, chiến đấu, săn bắn, hái lượm,... Mỗi một người ở thời đại này có thể đặt họ bất kỳ nơi nào trên thế giới này họ cũng sống được. Mình thì sao? Chắc chỉ đặt qua Hàn Quốc, Nhật Bản cái là mình chạy về ngay.
Ở đây mình ko nói là chúng ta bây giờ phải học săn bắn, hái lượm như những người tiền sử. Mà mình nhận thấy rằng khi bản thân biết được nhiều kỹ năng hơn, có nhiều trải nghiệm hơn thì mình càng có nhiều sự lựa chọn, thay vì chạy thẳng một đường chuyên môn đã định sẵn. Đối với mình thì chạy thẳng như thế vừa không an toàn, vừa nhàm chán.
Đương nhiên chuyện ra khỏi vùng an toàn để học và thử những thứ mình không biết không phải là chuyện dễ dàng gì. Vì càng lớn sức ý càng lớn cũng như khả năng chịu rủi ro càng thấp. Lựa chọn ra khỏi vùng an toàn là của mỗi người. Tuy nhiên bản thân mình cần nhận thức được rõ rằng liệu mình có đang an toàn hay không khi thế giới đang dịch chuyển với một tốc độ chưa từng thấy trước đây: AI, Coin, Metaverse,... tất cả nghe có vẻ viển vông nhưng thật sự nó đang dần trở thành một phần trong cái xã hội này.
Tất cả mọi kỹ năng, trải nghiệm mới đều có một mức rủi ro nhất định nào đó khi đánh đổi để học và thử nghiệm chúng. Nhưng như mình đã giải thích ở trên, tất cả những rủi ro này đều xứng đáng trong dài hạn. Nếu bạn là một kế toán nhưng biết thêm cả marketing, sale, sử dụng AI, đam mê sử dụng phần mềm thì chắc chắn sẽ hơn một người chỉ làm kế toán đơn thuần rồi.
Một nghề chín còn hơn chín nghề - Câu này đúng. Tuy nhiên ở đây mình không bảo bạn là phải giỏi cả 9 nghề mà chỉ đơn giản là mình đâm sâu 1 nghề nhưng sẽ có 8 cánh tay trái phụ mình thì nó sẽ tốt hơn rất nhiều. Chặng đường này sẽ hiếm khi có kết quả trong ngắn hạn mà hiệu ứng cộng dồn sẽ xảy ra khi mà chỉ khi mình tích lũy đủ. Không bao giờ quá muộn để bắt đầu một điều gì mới cả. Có thể mình sai mà cũng có thể mình đúng. Mình thấy rằng sai thì làm lại còn hơn mình bỏ qua một cơ hội đúng.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Cường.