Hoàn hảo
Các ông lớn như Google, Facebook ai cũng biết họ kiếm tiền dựa trên sự chú ý. Giữ chân được người dùng càng lâu thì họ càng kiếm được nhiều.
Nối bước tiếp theo là các sàn thương mại điện tử và các nền tảng xã hội mới như Tiktok, Threads. Tất cả tạo nên 1 nền kinh tế của sự chú ý.
Tuy nhiên mọi chuyện không chỉ nằm ở đó. Sự chú ý ở đây còn rộng hơn nhiều, nó bao hàm tất cả mọi khía cạnh trong cuộc sống.
Self-improvement là một ví dụ (dịch nôm na là sự tự phát triển). Có thể bạn chưa biết thì nền công nghiệp này năm 2022 có giá trị xấp xỉ 38 tỷ đô và được dự đoán tới năm 2030 có giá trị lên tới 80 tỷ đô (~2 triệu tỷ đồng).
Khóa học, hội thảo, tài liệu hướng dẫn,... tất cả đều giúp chúng ta “tốt lên” vì chúng ta đang tin rằng mình không đủ tốt. Và chúng ta sẽ tin bất cứ thứ gì nếu nó đánh đúng tâm lý.
Chúng ta đang sống trong 1 thế giới nếu mình không làm thì người khác sẽ làm.
Ví dụ Facebook đăng tuyển 1 vị trí chuyên gia khiến người dùng ở lâu trên nền tảng của họ và đương nhiên trả lương cao. Không thiếu người cạnh tranh nhau để vào vị trí đó. Khi họ làm tốt thì lại mở rộng bộ máy, lại trả lương cao, lại tuyển nhiều người giỏi hơn nhằm thu hút sự chú ý của người khác.
Câu chuyện tương tự với nền công nghiệp self-improvement hoặc bất kỳ lĩnh vực nào ở ngoài kia. Sẽ luôn có nhiều người cần kiếm tiền. Và giống như chính chúng ta đang tự thôi miên nhau vậy. Vì các thủ thuật đánh vào bản năng, vào tâm lý không dễ dàng nhận ra được do chúng ta sinh ra như vậy rồi.
Khi có quá nhiều thứ chúng ta cần chú ý thì bộ não đương nhiên sẽ quá tải thông tin không còn phân tích được trắng đen, phải trái nữa. Chúng ta sẽ dễ mặc định những gì chúng ta đang thấy là đúng.
Vì vậy chúng ta thấy bản thân luôn cần phải hoàn hảo. Luôn cần phải biết rõ con đường tương lai. Luôn cần phải cân bằng cuộc sống. Luôn cần thành công và hạnh phúc.
Vết thương chí mạng khi chúng ta đang sống ở thời đại bây giờ là luôn cảm thấy bản thân không hoàn hảo. Cần phải lấp đầy bằng một điều gì đó, nếu không thì sẽ không có giá trị với ai cả.
Do trong trạng thái như vậy nên chúng ta thường dễ rơi vào lo âu, trầm cảm, lo lắng, sợ hãi,... Những viên thuốc tạm thời mà chúng ta sẽ được cấp là các khóa học, câu chuyện vượt khó, chuyến du lịch chữa lành,... Để rồi một thời gian sau lại quay lại trạng thái ban đầu.
Chúng ta đang sống trong 1 thế giới nếu mình ngã thì người khác sẽ thế chỗ mình.
Mình không nói ra những điều trên để mục đích chúng ta thay đổi điều gì để tác động tới xã hội. Vì sẽ không bao giờ thay đổi được những gì đang và sẽ diễn ra.
Chúng ta sinh ra trong thời đại này và nó đã có những luật chơi đã định sẵn. Mỗi thời đại, mỗi quốc gia đều có một luật chơi khác nhau.
Một công thức thành công và hạnh phúc hoàn hảo cho mọi trường hợp sẽ không bao giờ tồn tại.
Có câu chuyện vui là 1 nhà khoa học muốn làm thử nghiệm tách 2 em bé sinh đôi ra 2 quốc gia xem 2 em bé đó phát triển như thế nào. Đương nhiên thử nghiệm này không được phép diễn ra.
Mà để hiểu được luật chơi đó thì chúng ta cần va vấp nhiều, cần trưởng thành là vì vậy.
Khi 1 người nói với 100 người thì họ sẽ nói có chọn lọc. Tức có nghĩa tất cả những câu chuyện mà chúng ta nghe đều đã được trau chuốt sao cho nghe hợp lý nhất rồi. Và khi đó câu chuyện không còn là sự thật nữa.
Hôm nọ mình có nói chuyện với anh họ thì anh ấy ngày xưa có làm cùng 1 anh chuyên đi khai thác tiền điện tử (đào coin) và gặp thời phất lên, sau đó đi chia sẻ như 1 diễn giả về đầu tư tài chính cá nhân.
Đấy chính là nền kinh tế của sự chú ý. Điều gì hợp tai, thuận mắt sẽ được chú ý và khi được chú ý sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
Hiểu được luật chơi là 1 chuyện, có chấp nhận đánh đổi để theo luật chơi hay không là quyền quyết định của mỗi người.
Nhưng để ra quyết định chúng ta không cần tham gia khóa học, tham khảo ý kiến hay đọc câu chuyện nào đó trên mạng xã hội nữa. Cứ làm việc, đi đây đi đó, trải nghiệm những thứ xung quanh nếu chưa biết phải chọn gì, rồi sẽ tới lúc có điều làm chúng ta hứng thú. Lúc này chúng ta hứng thú bởi vì chính chúng ta chứ không phải do nguồn thông tin khác.
Tất cả quyết định đi theo luật chơi nào đều có 2 mặt. Nhưng có lẽ quyền được quyết định cũng chính là tự do mà chúng ta luôn nói đến. Chính vì chúng ta chấp nhận mình sẽ mất gì thì sẽ dễ dàng vui vẻ đón nhận những gì phía trước hơn.
Cũng chính vì hiểu được sự đánh đổi có lẽ chúng ta mới hiểu rằng bản thân và cuộc sống này không bao giờ có điểm hoàn hảo.
Rồi có lẽ lúc đó chúng ta mới biết như thế nào là đủ, là không mong cầu mà chỉ đơn giản là sống.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Cường.