Liệu rằng sự không chắc chắn là một điều tiêu cực?
Mình hỏi bạn một câu hỏi nhỏ nhé: Bạn có đang chắc chắn về một điều gì không? Có thể là công việc, tình cảm, gia đình, sức khỏe?
Sẽ có người bảo có, sẽ có người bảo không. Sự chắc chắn về một điều gì đó trong cuộc sống mang đến cho chúng ta cảm giác an tâm, tự tin, niềm vui, hài lòng,... túm lại là những cảm xúc tích cực. Và mặt còn lại của đồng xu đó là sự không chắc chắn - liệu nó có mang lại cảm xúc tiêu cực như bất an, lo lắng, trầm cảm, tự ti hay không?
Câu trả lời là có.
Mình ví dụ như bạn đang làm một công việc không thích thú là một chuyện, bên cạnh đó môi trường làm việc lại không khuyến khích sự sáng tạo, chăm chỉ, kỷ luật,... thành ra chính bản thân bạn không hề chắc chắn được con đường sắp tới sẽ đi về đâu. Kèm theo đó là một số cảm xúc tiêu cực mình đã kể ở trên.
Nhưng, có một điều thú vị là …
Chính sự không chắc chắn mới là thứ giúp mỗi người phát triển hơn nhiều so với sự chắc chắn.
Như ở ví dụ trên thì sự không chắc chắn về tương lai của công việc sẽ khiến cho bản thân mình muốn làm một điều gì đó để phát triển kỹ năng, trải nghiệm thêm công việc mới, học hỏi tìm tòi cơ hội xung quanh,... Ở đây mình đang không nói đến trường hợp những người thờ ơ với sự không chắc chắn của họ - nhưng sớm thôi trường hợp này sẽ bị cuộc sống gạt bỏ ra vì nó đi ngược với sự vận hành của xã hội.
Còn nếu ở trong sự chắc chắn về một con đường sự nghiệp bằng phẳng thì động lực để tìm hiểu những cơ hội mới sẽ thấp hơn.
Ngày xưa lúc thuở sơ khai thì sự không chắc chắn về đồ ăn thức uống đã khiến con người tìm cách chăn nuôi, trồng trọt và rồi dần dần dẫn đến sự phát triển như xã hội ngày nay.
—
Chắc bạn đã từng nghe đến 2 loại tư duy: Growth mindset và Fixed mindset (Tư duy phát triển và tư duy cố định)
Ban đầu khi mình mới nghe 2 loại tư duy này thì mình nghĩ mình luôn ở trong trạng thái tư duy phát triển tức là mình không có bị bảo thủ hay cố chấp theo một khuôn mẫu nào đó. Nhưng rồi sau đó mới nhận ra rằng riêng chỉ cách nghĩ này không thôi cũng là một tư duy cố định rồi. Chưa kể đến tư duy của mình hiện tại được hình thành bởi môi trường, gia đình, bạn bè, thói quen từ rất lâu rồi cho nên có rất nhiều quan điểm của mình sẽ không giống người khác.
Mình đề cập tới 2 loại tư duy này là bởi vì tư duy phát triển chính là sự không chắc chắn. Có nghĩa là ngoại trừ những quy luật bất biến như trái đất quay xung quanh mặt trời, con người cần oxi,... thì những quan điểm mà bạn và mình nghe hay tin vào cho đến bây giờ đều không có gì là chắc chắn. Ở trường hợp này sẽ đúng, trường hợp kia sẽ đúng một chút, trường hợp khác thì lại sai.
Đây chính là điều mình muốn bản thân hướng tới. Đó là tiếp nhận mọi quan điểm dưới góc nhìn khách quan. Chuyện này không hề dễ chút nào bởi mỗi người mỗi khác nhưng nếu làm được mình sẽ gỡ bỏ được nhiều rào cản trong việc phát triển bản thân hay giao tiếp với người khác.
Mình ví dụ trước kia mình nghĩ ai cũng nên đọc sách, sách là một nguồn tri thức vô tận - nơi mà ai bỏ qua nó sẽ không phát triển được. Tuy nhiên sau này mình gặp được một vài người họ không đọc sách nhưng tư duy của họ rất sắc bén và sự nghiệp rất thành công, hóa ra là họ học chính từ sai lầm bản thân cũng như qua những cuộc trò chuyện với người có kinh nghiệm hơn. Sách nó là một nguồn tri thức đáng giá nhưng không có nghĩa thiếu nó thì con người không phát triển được.
—
Đối với mình thì sự không chắc chắn xảy ra như một chuyện thường ngày: Làm cách này không biết có ra kết quả không, chọn con đường này không biết có đúng không, liệu mình có đang hướng tới thứ mình mong muốn không,...
Mình từng nghe được một ý khá hay đó là: Chúng ta không thể nhìn thấy cơ hội khi chúng ta chưa giỏi.
Tức là mình không thể nhìn thấy được một điều gì phía trước nếu bản thân mình chưa có gì. Vậy nên bây giờ sự không chắc chắn chính là động lực để khiến mình đi về phía trước. Mình biết phía trước mình chưa thấy một điều gì chắc chắn nhưng mình có niềm tin về điều mình làm.
Mình nghĩ rằng niềm tin là một chất xúc tác quan trọng để chúng ta có thể giữ lửa trong một quãng thời gian dài không chắc chắn về những điều đang thực hiện. Đến cuối cùng liệu có đáng để đặt niềm tin như vậy hay không nếu không có kết quả gì?
Câu trả lời của mình là Đáng. Lý do bởi mình thích quá trình đến đấy hơn là những gì mình đạt được cuối cùng. Tức là mình thích những việc mình đang làm, kết quả quan trọng chứ, ai cũng biết điều đó nhưng nó chỉ chiếm 1% thời gian, còn 99% còn lại là quá trình mình đi đến đó. Nếu mình không yêu thích 99% này thì liệu rằng cái kết quả 1% nó đến thì mình có vui, và nếu vui thì kéo dài bao lâu.
Mình yêu sự không chắc chắn, mình yêu sự tiêu cực, đơn giản là vì mình đang được sống, được yêu thương vậy là đủ rồi.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường