Về chuyện học của người lớn
Chúng ta luôn mong muốn phá vỡ vùng an toàn để ra ngoài kia khám phá, trải nghiệm những điều mới mẻ.
Nhưng những thời điểm đó thường đến một cách bị động thông qua tác động từ ngoại cảnh như lên thành phố học đại học, dịch bệnh bị cắt giảm nhân sự, chia tay vì không đáp ứng đủ kỳ vọng,...
Lý do đơn giản là bởi bộ gen của con người đã được thiết kế để hạn chế tối đa những gì có thể ảnh hưởng tới sự an toàn hiện tại.
Nghe thì có vẻ những thời điểm bị động trên khiến cho chúng ta ra khỏi vùng an toàn. Nhưng bản chất thật sự đó là những thời điểm đó khiến chúng ta bắt buộc phải thay đổi để tìm lại được cảm giác an toàn.
Và thường thì những sự thay đổi mới mẻ đó làm chúng ta giỏi hơn, nhiều trải nghiệm hơn, nhiều kỹ năng hơn,...
Đây cũng là điều kha khá cuốn sách đề cập tới việc khi chúng ta trải qua khó khăn thì mới học hỏi được nhiều thứ cũng như trưởng thành hơn.
Nhưng đối với cuộc sống của một người bình thường thì những sự tác động bị động của ngoại cảnh đó thường hiếm khi xảy ra. Chắc cả đời chỉ xảy ra 2, 3 lần.
Và chúng ta cũng chỉ phát triển được thông qua 2, 3 lần đó, ý mình là đang mặc định cho cuộc sống cứ tiếp diễn theo kịch bản.
Chắc có lẽ chúng ta đã từng trải qua cảm giác mãi vẫn không thấy bản thân phát triển trong một khoảng thời gian.
Một điều thú vị đó là chuyện chúng ta muốn phát triển hay mong muốn ra khỏi vùng an toàn cũng chính là điều bản năng cũng tán thành. Vì chắc chắn bạn cũng tin một điều rằng nếu không phát triển thì nghề nghiệp hay mối quan hệ khó có thể duy trì được, và điều này ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh tồn của chúng ta.
Con người là một giống loài mâu thuẫn.
Chúng ta vừa muốn an toàn (đừng làm gì mới), vừa muốn phát triển (cần làm một thứ gì đó mới).
Hai khía cạnh này như bạn có thể thấy nó không dễ để tách biệt, cảm giác như chúng ta mỗi thời điểm chỉ được chọn 1 hướng. Cho nên đây cũng chính là lý do tại sao nếu theo kịch bản cuộc đời thì chỉ có bị động phát triển (ra khỏi vùng an toàn) số ít lần.
Cho nên để bảo là hãy thay đổi đi, khởi nghiệp đi, ra khỏi vùng an toàn đi thì thực sự với cá nhân mình thấy nói thì dễ nhưng làm thì không biết bắt đầu từ đâu.
Và càng lớn chúng ta càng cực kỳ cân nhắc khi đưa ra lựa chọn. Vì không như lúc trẻ, người lớn họ sẽ có trách nhiệm về bố mẹ, gia đình, con cái, nhân viên nữa. Cái giá của việc ra khỏi vùng an toàn bây giờ không phải cứ nói là sẽ trả giá được.
Tuổi trẻ là 2 từ đắt giá vì như vậy.
-
Vậy làm sao người lớn có thể phát triển được mà không cần sự thay đổi đột ngột?
Câu trả lời đó là: “Chọn một”
Câu mà mình thích hỏi nhất khi phỏng vấn bạn khác là: Điểm mạnh của bạn là gì?
Có thể người khác sẽ thích hỏi về điểm khác biệt, tuy nhiên góc nhìn của mình thì tất cả mọi người đều giống nhau. Nói đơn giản thì chúng ta đều là con người, chỉ là lựa chọn ở mỗi thời điểm trong cuộc sống sẽ tạo nên những con người khác nhau.
Thông thường thì mình sẽ nhận được câu trả lời về điểm mạnh liên quan tới tính cách như chăm chỉ, hoạt bát, năng động, chịu khó, tập trung,... Nhưng với mình nó vẫn là thứ có thể thay đổi.
Chuyện các bạn đó dùng những tính cách trên cho ra kết quả cụ thể nào trong lĩnh vực, mới là điểm mình chú ý.
Ví dụ lĩnh vực của mình thì Marketing siêu rộng, trong đó có Digital cũng siêu rộng, nhỏ hơn nữa là chạy quảng cáo cũng rộng, sâu thêm là chạy kênh FB vẫn rộng. Cuối cùng lựa chọn ra công việc lên nội dung quảng cáo đúng điều khách hàng mong muốn - đây mới tính là điểm mạnh ra kết quả cụ thể.
Ngồi vẽ sơ đồ mind map cho từng đầu công việc của từng mảng trong Marketing chắc phải siêu siêu nhiều công việc để lựa chọn làm điểm mạnh.
Việc cần làm sau khi đưa ra lựa chọn đó là rèn luyện dù chỉ một chút thời gian hàng ngày cũng được. Miễn là không ngừng nghỉ thì bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể trở thành chuyên gia đối với lựa chọn đó.
Với cách này thì người lớn chúng ta vừa không ra khỏi vùng an toàn (vì có thay đổi gì khác mỗi ngày đâu), vừa phát triển được (vì sự thay đổi sẽ được cộng dồn hàng ngày).
Tuy nhiên thực tế sẽ có 2 thứ khiến chúng ta không duy trì được cách này.
Thứ nhất đó là cuộc sống chúng ta có vô vàn lựa chọn. Chưa bàn tới chuyện trong mỗi lĩnh vực đã có hằng hà đa số lựa chọn công việc rồi, đây lại còn có vô số lĩnh vực chúng ta có thể lựa chọn nữa.
Như bạn có thể thấy chỉ cần có một ứng dụng hay xu hướng như Threads, Tiktok hay AI thì đã có hàng trăm, hàng nghìn lĩnh vực có thể kiếm được tiền xung quanh đó rồi.
Nhưng dù bất kể đưa ra lựa chọn gì thì chúng ta cũng đều bắt đầu bước từ dưới chân núi để leo lên. Dù bất kể lựa chọn nào thì trên đỉnh núi cũng đều thấy trọn vẹn khung cảnh. Nhưng thời gian của đời người không cho phép chúng ta leo nhiều ngọn núi cùng lúc được.
Thứ hai là chúng ta dễ dàng đánh giá thấp tính tích lũy của sự phát triển.
Thường thì chúng ta sẽ đánh giá cao những lựa chọn tác động ngay lập tức tới cuộc sống hiện tại như nhảy việc, đầu tư cổ phiếu, tham gia dự án mới, khởi nghiệp,...
Nhưng tất cả mọi thứ nó đều xoay quanh sự tích lũy.
Ngày xưa có thể nói nhắm mắt chạy quảng cáo thì cũng ra được đơn, vì lúc đó ít cạnh tranh mà thị trường lại quá toẹt vời. Nhưng dần dần nhiều người tham gia hơn, người tiêu dùng khắt khe hơn, có nhiều lựa chọn hơn. Giờ với kỹ năng cũ thì có căng mắt ra vài tuần chắc cũng chưa ra được đơn.
Mọi chuyện trong cuộc sống đều bắt buộc con người đi lên, như bạn có thể thấy thì kinh tế chỉ trong vòng vài trăm năm gần đây đã tương đương với sự phát triển của vài nghìn năm trước cộng lại rồi.
Đấy chính là sự tích lũy, nếu chúng ta chỉ nhìn năm trước hay năm sau cũng không thấy khác biệt là mấy. Nhưng trên cả giai đoạn dài mới thấy sự thay đổi đáng kể như thế nào.
Cái khó là có được niềm tin về sự tích lũy, cái khó hơn nữa là chuyện dành thời gian đầu tư cho điều chúng ta đã lựa chọn mỗi ngày, dù ít cũng được.
Không phải chúng ta khó khăn trong việc duy trì 1 thứ đều đặn, mà chúng ta dễ dàng với chuyện đồng ý với những chuyện khác ngoài thứ kia.
Hy vọng rằng chúng ta sẽ nhìn thấy được bầu trời phía trên đỉnh núi.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường.