Vòng lặp suy nghĩ tương lai
Hầu hết các trường hợp thứ ngăn cản chúng ta không phải là ngoại cảnh mà là chính suy nghĩ của chúng ta.
Khi mình trì hoãn không làm một điều gì đó một phần do mình sợ nó sẽ thất bại.
Khi mình từ chối một đề nghị nào đó một phần do mình sợ mình không làm được.
Khi mình không còn cố gắng nữa vì mình nghĩ mình cố tiếp cũng không được gì.
Khi mình né tránh một vấn đề gì đó vì mình thấy rằng mình không thay đổi được gì.
Có một câu nói mình thấy khá thú vị là: Chúng ta thường đánh giá cao suy nghĩ của mình, đồng thời đánh giá thấp những gì chưa xảy ra.
Có rất nhiều thứ chúng ta nghĩ nó sẽ không bao giờ xảy ra nhưng cho tới hiện tại nó đã xảy ra và để lại những hậu quả lớn: Đại dịch, suy sụp của thị trường, làn sóng nghỉ việc, AI vẽ tranh, AI trả lời câu hỏi chính xác, ...
Tất cả những gì chúng ta đang suy nghĩ hiện tại nó là dựa trên kết quả của quá khứ, trải nghiệm, kiến thức, góc nhìn của mỗi người. Chứ nó không đại diện cho tương lai hay ngay cả chính hiện tại đang diễn ra.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của suy nghĩ. Suy nghĩ chính là thứ mà giúp con người có được xã hội, công nghệ ngày hôm nay. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nó cũng chính là con dao 2 lưỡi khiến chúng ta rơi vào sự áp lực, trầm cảm, lo âu hay các bệnh về tinh thần khác.
Suy nghĩ giúp cho con người tránh khỏi những hậu quả gây nguy hiểm nhưng đồng thời cũng làm cho con người luôn tin vào những điều mình nghĩ là đúng.
Đối với mình những gì xảy ra trong tương lai nó chỉ ảnh hưởng bởi duy nhất bản thân mỗi người thì có thể những phán đoán của họ luôn đúng. Ví dụ như khi chúng ta đang đi thì chúng ta biết tiếp theo chúng ta sẽ bước tiếp hay dừng lại.
Tuy nhiên hầu hết những mong cầu, ham muốn, mục tiêu của con người đều bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khác như con người, kinh tế, xã hội, môi trường, thực phẩm,... Vậy nên tương lai nó không còn đúng như suy nghĩ cá nhân của mỗi người nữa.
Có phải bạn hay mình chúng ta không biết điều này hay không? Không hề. Chúng ta đều biết những gì chúng ta nghĩ đều không phản ánh đúng trong tương lai. Nhưng suy nghĩ là cái thứ duy nhất chúng ta có thể dựa vào.
Ở đây có một thứ quan trọng mà mình nhận ra được đó là: Cần phải nhận biết được khi mình trì hoãn, từ chối, bỏ cuộc, né tránh một điều gì trong cuộc sống nó bởi nguyên nhân gì.
Đối với mình thì hầu hết các trường hợp là do suy nghĩ của chính mình. Mình cần phải biết điều này để ngồi xuống và xem là suy nghĩ nào là đúng, suy nghĩ nào là không đúng. Nếu không mình sẽ luôn luôn nằm trong vòng lặp của suy nghĩ.
Khi bị ngăn chặn bởi suy nghĩ thì mỗi người sẽ khó mà phát triển được, chỉ quẩn quanh trong một vùng an toàn suốt ngày này sáng tháng nọ. Vùng an toàn nó không sai nhưng đối với bản thân mình khi mình chinh phục một điều gì đó, khi mình phát triển thì niềm vui sẽ được duy trì một cách lâu dài.
Cuối cùng chúng ta sống cuối cùng là để vui, để hạnh phúc mà nhỉ.
Có người sẽ chọn cách tìm kiếm hạnh phúc, niềm vui trong vùng an toàn. Mình không phản đối nhưng có 2 điều mình thấy đó là:
+ Nếu vùng an toàn họ quá nhỏ thì rất khó cảm thấy đủ đầy hạnh phúc dài lâu
+ Nếu muốn mở rộng vùng an toàn không còn cách nào khác là phát triển bản thân (mối quan hệ, sự nghiệp, sức khỏe)
Và điều mình muốn nhắn nhủ cuối cùng là nếu tương lai mà biết trước được thì cuộc sống này sẽ không còn gì là thú vị nữa. Giống như đi xem phim mà biết đoạn kết rồi thì còn gì hay.
Hy vọng bạn có thêm một suy nghĩ nào đó từ bài viết này của mình.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Cường.