Ví dụ chúng ta biết rất nhiều cách để làm giàu nhưng để đi tới cuối con đường đó thì cảm giác vẫn luôn thiếu một điều gì đó. Điều này để cho thấy rằng giữa việc biết và thực sự cầm nắm được nó cách khá xa nhau.
Thế cái khoảng cách đó có phải là hành động?
Chúng ta cần hành động để có đủ tiền để chi trả cuộc sống, đủ có một mối quan hệ yêu đương hạnh phúc, đủ một sự nghiệp phát triển, đủ một nơi ở với những đồ dùng thoải mái,... rồi chúng ta mới thấy đủ để hạnh phúc?
Hay sự đủ đó là sự nhận diện về xung quanh mọi thứ hiện tại mà các triết lý, tôn giáo đều đã đề cập tới?
Lúc tự do thì thấy cô đơn, lúc may mắn có mối quan hệ hạnh phúc thì đôi lúc lại muốn được tự do.
Lúc chưa có sự nghiệp thì mong cầu sự ổn định, lúc ổn định sự nghiệp rồi lại muốn bứt phá hơn nữa.
Có 1 điều gì đó đang thiếu ở đây …
Khi ta nhìn một số người khi về già họ lại có sự thư thái, yêu đời, tận hưởng cuộc sống đến vậy? Có phải lúc đó họ nhận thức được số thời gian ít ỏi còn lại không?
Câu trả lời thú vị nằm ở trong chính câu hỏi phía trên. Đó là “khi về già”.
Có 1 cụm từ khá thú vị là “connecting the dots” - đây là khả năng kết nối các dấu chấm để tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề hiện tại.
Và chính những trải nghiệm, kiến thức trải dài qua rất nhiều năm của chúng ta là những dấu chấm ấy. Để chúng ta có thể thực sự hiểu rõ và cầm nắm được những cái gọi là biết đủ, bình an, yêu đời, chấp nhận, trưởng thành,...
Xã hội luôn có một (hoặc nhiều) định nghĩa cho 1 cuộc đời hoàn hảo, ví như nó cần hội đủ tất cả các yếu tố về công việc, tài chính, mối quan hệ, sức khỏe,...
Nhưng rất hiếm có thời gian chúng ta ngồi lại và quan sát chính giai đoạn cuộc đời hiện tại của bản thân đang được định nghĩa như thế nào.
Chúng ta luôn bảo rằng hãy để cho những đứa trẻ tận hưởng khoảnh khắc đúng với tuổi của chúng.
Nhưng có lẽ chúng ta đã luôn quên tự bảo bản thân tận hưởng đúng khoảnh khắc với tuổi hiện tại dù là 25, 35, 45, 55,...
Và những cái định nghĩa “cuộc đời hoàn hảo” của xã hội lại đang bị áp đặt vào 1 khuôn cho tất cả độ tuổi từ 20 cho tới 80.
Giống như lúc chúng ta tới mốc 30 (thậm chí 20) thì cần phải đạt được hạnh phúc mãi mãi về sau vậy.
Nhưng sự thật là mỗi độ tuổi thì sẽ có những giới hạn nhất định. Kiểu như dù chúng ta có cố gắng như thế nào đi nữa thì 20 tuổi không thể trở về cõi niết bàn được :))
Oh. Thế vậy giờ không cần quan tâm tới những “tiêu chuẩn” như vậy nữa mà chỉ cần tận hưởng nhiều thú vui cuộc đời càng nhiều càng tốt, sống như không cần biết tới ngày mai nhỉ?
Hmm.
Câu trả lời đó đúng khi chúng ta được sinh ra ở thời kỳ đồ đá.
Những thú vui của chúng ta sẽ bao gồm săn bắt, hái lượm, trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc cộng đồng, hiểu về động vật, dự báo trước được thời tiết,...
Và đúng là chúng ta sẽ rất vui và hạnh phúc khi làm những chuyện đó hàng ngày.
Nhưng ở thời đại hiện nay thì câu trả lời trên dường như kéo chúng ta vào 1 vòng xoáy của việc tiêu thụ.
Chúng ta đang may mắn thừa hưởng rất nhiều thứ có sẵn cả tích cực lẫn tiêu cực từ các thế hệ trước.
Nó tạo ra 1 xã hội giúp con người sống sót nhiều hơn chứ không quan tâm tới cảm xúc của con người (tức không giúp chúng ta thật sự sống đúng độ tuổi).
Chúng ta sẽ theo đuổi những định nghĩa về năng suất, địa vị, tiền tài,... và điều này chính xác góp phần cho kinh tế, khoa học, y tế phát triển. Từ đó giúp con người sống lâu hơn.
Nhưng đồng thời đã kéo theo sự leo thang về bệnh tật, vấn đề tâm lý, giao tiếp xã hội, biến đổi khí hậu, tuyệt chủng các loài động thực vật,...
Bây giờ chúng ta sẽ đi sâu vào não bộ một chút.
Vùng não bộ nguyên thủy xuất hiện sớm nhất trong quá trình tiến hóa nó quản lý các bản năng của con người về ăn uống, sinh sản, bắt chước, đua đòi, bầy đàn,...
Và nó không có khả năng phân biệt đúng sai, miễn là còn sống còn hưởng thụ càng nhiều là được. Điều này giải thích việc chúng ta sẽ có xu hướng tiêu thụ những thứ khiến chúng ta thoải mái nhất thời (lướt mạng, chơi game, xem phim, chất kích thích, ăn thức ăn nhanh,...)
Còn phần vỏ não trước trán (prefrontal cortex) nằm trong vùng não bộ phát triển cao (xuất hiện muộn nhất và nó chưa có khả năng thích nghi tốt với xã hội hiện tại) chịu trách nhiệm cho việc ra quyết định và kiểm soát hành vi.
Và nó sẽ bị suy yếu khi chúng ta căng thẳng, lo âu, thiếu ngủ, ăn uống không lành mạnh, không vận động, sử dụng chất kích thích,...
Tức có nghĩa rằng thời đại hiện nay (cho phép chúng ta tiêu thụ nhiều hơn chúng ta cần) đã được thiết kế để tạo nên việc chúng ta khó có khả năng ra quyết định và kiểm soát hành vi (do phần não này đã bị suy yếu do sự tiêu thụ). Nó như một vòng lặp khó tìm được đường ra.
Điều này cũng giải thích lý do tại sao khi chúng ta đi theo những tiêu chuẩn trách nhiệm của xã hội về vật chất (trực tiếp dẫn đến căng thẳng và lo âu do không dễ đạt được) lại khiến chúng ta mông lung, mơ hồ về cuộc đời. Vì chúng ta đã suy yếu khả năng ra quyết định cũng như kiểm soát hành vi, nó lại dẫn chúng ta vào vòng lặp vô hạn.
Có lẽ khi về già thì chúng ta được phép rời xa dần khỏi xã hội, khỏi những tiêu chuẩn thì chúng ta mới trở về được với bản thân và tận hưởng cuộc sống này. Để rồi lúc đó họ mới hiểu và cầm nắm được cái gọi là đủ.
Thế có cách nào để giúp chúng ta (những người trẻ) thực sự sống đúng với số tuổi của mình không?
Mình nghĩ đọc đến đây thì bạn đã biết bản thân cần phải làm gì rồi. Điểm chính mình muốn chia sẻ là lý do tại sao chúng ta đang hành động và có suy nghĩ mơ hồ trong hiện tại.
Nhưng có 1 điều thú vị mà mình nhận ra được trên chặng hành trình này đó là nó không có điểm cuối.
Đọc sách, thấu hiểu bản thân, làm giàu, tự do tài chính, bình an, trưởng thành, hiểu đời, hiểu người,...
Nó giống như muôn vàn con đường mà mỗi người sẽ chọn để đi.
Nhưng có lẽ biết mình đang đi trên con đường bản thân mình muốn, thì đó là sống thật với đúng số tuổi rồi.
Điều này sẽ giúp mỗi người thật sự bắt đầu tận hưởng chuyến hành trình này. Hay nói cách khác là bắt đầu yêu cuộc đời và yêu bản thân hơn.
Mỗi cuộc gặp, mỗi cuốn sách, mỗi trải nghiệm, mỗi bài viết đều là những gì đến - có lẽ là duyên và chúng ta cóp nhặt một số điểm nào đấy để kết nối với những điểm cũ lại rồi chuẩn bị tốt hơn con đường sắp tới.
Có bao giờ bạn có cảm giác một người nào đó trên mạng làm những điều mà bạn thấy tràn đầy năng lượng chưa? Dù là những chuyện nhỏ bé như ngắm hoàng hôn, đọc 1 cuốn sách, làm tình nguyện, chia sẻ 1 điều tích cực, đi dạo xe đạp, ăn một món ăn lạ,...
Đó chính là những sự cóp nhặt mà chính bản thân bạn muốn. Chỉ đơn giản ra ngoài và làm những điều đấy thôi, để rồi ở 1 độ tuổi nào đó chúng ta sẽ thấy được con đường rõ hơn chính nhờ những sự cóp nhặt nhỏ bé đó.
Trong tay chúng ta đã có tất cả các lá bài mà chúng ta cần cho cả cuộc đời này. Chỉ đơn giản chúng ta chưa đủ trải nghiệm (+ đủ thời gian) biết và hiểu để có thể nhìn thấy lá bài trong tay.
Có lẽ chúng ta đã có những thứ chúng ta cần để bắt đầu.
Cùng mình đi tìm kho báu nhé hehe.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Cường.
Cảm ơn chia sẽ của bạn
Bản chất của cuộc sống là không ngừng mở rộng phát triển sáng tạo hết mức có thể nên theo mình tuỳ mỗi giai đoạn, điều kiện phát triển của mỗi người sẽ khác nhau theo đó sự đủ ở đây cũng phụ thuộc vào lựa chọn vào hành trình riêng tư của mỗi người.